Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Bệnh MELIOIDOSIS

Bệnh Melioidosis còn gọi là bệnh Whitmore, là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, là loại nhiễm khuẩn hiếm gặp
I. Tác nhân gây bệnh: Bệnh Melioidosis còn gọi là bệnh Whitmore, là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, là loại nhiễm khuẩn hiếm gặp. Loại vi khẩn này hiện diện trong nước và đất đặc biệt là vùng đất bùn bẩn, ô nhiễm. Vi khuẩn thâm nhập trực tiếp vào cơ thể người và động vật qua da bị trầy xước tiếp xúc với với nước hay đất bị nhiễm khuẩn, hay hít phải bùn nước có chứa loại vi khuẩn này. Khi vào cơ thể người, vi khuẩn Burkholderia pseudomallei có thể gây bệnh ngay hoặc ủ bệnh đến vài chục năm và khi cơ thể suy giảm miễn dịch thì bệnh sẽ bùng phát.
II. Yếu tố nguy cơ: Bệnh thường xảy ra ở những người bị suy giảm miễn dịch như đái tháo đường, suy thận mạn, nghiện rượu,.…
III. Triệu chứng lâm sàng: Khi mắc bệnh này, triệu chứng phổ biến nhất là nhiễm khuẩn ở phổi từ trung bình như viêm phế quản đến nặng như viêm phổi, abscess phổi, cũng có thể biểu hiện khu trú bằng các ổ nhiễm khuẩn trên da (viêm mô tế bào). Bệnh nhân thường có biểu hiện cấp tính như sốt cao, nhức đầu, chán ăn, ho, đau ngực và đau nhức cơ bắp. Khi diễn tiến nặng có thể gây nhiễm khuẩn máu, do đó nguy cơ tử vong cao. Từ máu, vi khuẩn có thể đi đến các cơ quan và gây nhiễm trùng hay ổ áp xe ở mắt, gan, thận, xương khớp, não, tim,.…
IV. Chẩn đoán: Chẩn đoán xác định bệnh dựa vào kết quả cấy máu, nước tiểu, đàm hoặc bệnh phẩm lấy từ tổn thương da.
V. Điều trị: Hiện nay chưa có vaccin phòng bệnh nhưng bệnh có thể điều trị được bằng kháng sinh nếu phát hiện sớm. Bệnh nhân cần được dùng kháng sinh đặc hiệu, liều cao và kéo dài. Dùng kháng sinh đường tiêm liều cao 2 tháng sau đó tiếp tục dùng kháng sinh uống ít nhất 6 tháng tiếp theo. Điều đáng nguy hiểm là  bệnh dễ tái phát do bệnh nhân suy kiệt hoặc dùng không đúng phác đồ do thời gian dài và tốn kém.
Kháng sinh đặc hiệu
- Điều trị tấn công:  Thời gian ít nhất 14 ngày (trung bình 4-8 tuần).
  + TMP-SMX 8/40mg/kg (có thể lên tới 320/1600mg) mỗi 12 giờ. Hoặc
  + Ceftazidime 50mg/kg, tiêm tĩnh mạch mỗi 6 giờ.
  + Meropenem 25mg/kg tiêm tĩnh mạch mỗi 8 giờ.
  + G-CSF (Filgrastim) 300µg tĩnh mạch 10 ngày nếu bệnh nhân bị sock nhiễm trùng.
  + Amoxicillin + A. Clavulinate 8/4mg/kg tiêm tĩnh mạch mỗi 4 giờ.
- Điều trị  duy trì: (3-6 tháng)
  + TMP-SMX 8/40mg/kg (có thể lên tới 320/1600mg) uống 2 lần/ngày  (uống ít nhất trong 20 tuần). Hoặc
  + Amoxicillin+A.Clavulinate 30/15mg/kg uống 2 lần/ngày(ít nhất 20 tuần).
  + Chloramphenicol 10mg/kg, uống 4 lần/ngày (dùng trong 8 tuần).
CA BỆNH NHIỄM TRÙNG HUYẾT DO VI KHUẨN BURKHOLDERIA PSEUDOMALLEI (BỆNH MELIOIDOSIS ) TẠI KHOA NỘI BV ĐKQT VŨ ANH
I. Lâm Sàng
- Bệnh nhân E. T, 67 tuổi, Nam, Pnompenh - Cambodia.
- Tiền sử: Đái tháo đường type 2 đang điều trị thuốc uống (Diamicron + Glucophage). Khởi bệnh cách nhập viện # 2 tuần  với  sốt lạnh run kèm sưng đau vùng gối (T).
- Nhập viện tại khoa nội BV ĐKQT Vũ Anh ngày 26/12/2011 trong tình trạng sốt lạnh run kèm sưng đau vùng gối (T).
- Khám lâm sàng ghi nhận: Bệnh nhân sốt 39.8 0C, lạnh run, huyết áp thấp 90/50mmHg, mạch nhanh rõ 120 l/ph, thể trạng gầy, niêm hơi nhạt, sưng, đau vùng gối (T). Gối (T) sưng mặt ngoài và sau, có dấu chuyển sóng, ấn đau (áp xe mặt ngoài và sau gối (T)). Phổi trong, bụng mềm, gan lách không lớn.
- Sau khi thăm khám lâm sàng, bệnh nhân được chỉ định làm các xét nghiệm máu tổng quát kèm cấy máu và các xét nghiệm về hình ảnh học với kết quả như sau
II. Cận Lâm sàng
- CTM: BC 11.9G/L (N: 83.6%, L: 10.7%), HC: 4.78 T/L, Hb: 120g/L, TC: 302 G/L
- VS: 1h: 100mm, 2h: 115mm
- CRP: 185 mg/l
- SGOT: 86 U/L, SGPT: 94 U/L. Ure: 5.1 mmol/L, Creatinin 68.3 Umol/L
- Đường máu đói: 17.53 mmol/L, HbA1C: 11.7%.
- BK đàm 3 mẫu: Âm tính
- CEA: 0.81 ng/ml, Cyfra 21.1: 2.49 ng/ml, NSE: 12.18mmol/l
- Siêu âm phần mềm vùng gối (T)

Mặt bên và mặt sau gối (T) có 2 khối  echo đậm độ ngang mô mềm, bờ rõ, kt theo thứ tự d #25,7 x 41,3mm và 23,4 x 37,9mm
- XQ phổi

XQ phổi thẳng: Nốt mờ ở  vùng nách phổi phải
- CT Scanner ngực

CT –Scanner ngực: tổn thương dạng hang thùy trên phổi (P) d# 2 x 2 x 2,6cm
- MRI khớp gối trái

Nhiều ổ áp xe ở trong bao khớp, phần mềm quanh khớp, tủy xương 1/3 dưới xương đùi, kích thước ổ lớn nhất d# 8 x 4,5 x 4,5 cm

Nhiều ổ áp xe trong bao khớp, phần mềm quanh khớp

Nhiều ổ áp xe ở trong bao khớp, phần mềm quanh khớp, tủy xương 1/3 dưới xương đùi, kích thước ổ lớn nhất d# 8 x 4,5 x 4,5 cm
III. Chẩn đoán và  điều trị ban đầu
- Với biểu hiện lâm sàng  và kết quả xét nghiệm cận lâm sàng trên, gợi ý ban đầu là bệnh lý lao phổi + lao xương. Bệnh nhân được hội chẩn với chuyên khoa lao Bệnh Viện lao và đi đến kết luận: Lao hang phổi (P) – Áp xe lạnh + viêm xương đầu dưới xương đùi (T)/ĐTĐ type 2. Bệnh nhân được điều trị điều trị từ ngày (28/12/2011)  theo phác đồ thuốc kháng lao SM 0.75g/R300H200E1000Z1000mg.
IV. Diễn tiến  bệnh
- Sau 5 ngày điều trị với thuốc kháng lao, bệnh nhân vẫn còn sốt dao động, từ 38-390C, đau nhức vùng gối (T) nhiều, khối áp xe gối (T) tăng kích thước và đau nhức nhiều.
- Với diễn tiến lâm sàng không thuận lợi, chúng tôi tiến hành hội chẩn lại trong khoa và đi đến quyết định:
  + Chọc hút mũ áp xe gối (T). Kết quả chọc hút áp xe  ra # 250ml  mũ đặc màu đà đục.
  + Tiến hành cấy mũ làm KSĐ.
  + Dùng kháng sinh ceftazidime 1g x 3 lần/ngày tiêm tĩnh mạch.
- Sau 2 ngày dùng kháng sinh và chọc  hút mũ, bệnh nhân hết sốt, giảm sưng đau vùng gối (T), kích thước ổ áp xe nhỏ lại.
- Sau 5 ngày, chúng tôi nhận kết quả cấy máu và cấy mũ từ  khoa vi sinh:
  + Hiện diện vi khuẩn  Burkholderia Pseudomallei. KSĐ nhạy cảm với: Augmentin, Ceftazidime, Imipenem, Meropenem. Kháng với Bactrim.
  + Giải phẩu bệnh theo phương pháp Cell block (bệnh phẩm là dịch hút ra từ áp xe gối (T)): “dịch màu nâu nhạt, hiện diện của mô hoại tử và sự xâm nhập của bạch cầu đa nhân trung tính và hồng cầu”.
  + PCR lao (dịch gối trái): Âm tính.
IV. Chẩn đoán cuối cùng
- Từ diễn tiến lâm sàng, đáp ứng điều trị kháng sinh Ceftazidime cùng với các kết quả cấy máu, cấy mũ và GPB. Chúng tôi đi đến chẩn đoán sau cùng là bệnh nhân bị “Nhiễm trùng huyết do vi khuẩn  Burkholderia Pseudomallei/ĐTĐ type 2”
V. Điều trị
- Ngưng thuốc kháng lao.
- Kháng sinh: Ceftzidim 1g x 3l/ngày tiêm Tĩnh mạch trong 3 tuần.
- Insulin mixtard: 25UI sáng – 18UI chiều, tiêm dưới da.
- Giảm đau: Voltaren + Neurontin + Efferangan Codein.
VI. Diễn tiến bệnh
- Sau 3 tuần điều trị theo phác đồ trên đây, bệnh nhân gần như hồi phục hoàn toàn, ổ áp xe vùng gối (T) biến mất, hết sốt, không đau, đường huyết ổn định, bệnh nhân đi lại, sinh hoạt bình thường. Bệnh nhân được xuất viện và dùng thuốc theo toa ngoại trú (Dùng kháng sinh uống: Augmentin trong 4 - 6 tháng + ổn định đường huyết bằng Insulin).
Th.s Bs Phan Văn Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét