Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Cần làm gì khi trẻ bị sốt?

Rất nhiều trường hợp trẻ nhập viện vì sốt, đặc biệt là khi trẻ có kèm co giật thì cha mẹ rất lo lắng và hốt hoảng. Vậy, những điều cần lưu ý khi trẻ bị sốt là gì?
     Trước hết, các bậc phụ huynh hãy biết rằng sốt là một phản ứng có lợi của cơ thể khi cơ thể gặp các yếu tố tấn công từ bên ngoài như vi khuẩn hoặc virus, sốt cũng có thể do trẻ mặc quá nhiều áo hay sau khi trẻ phải ở trong môi trường nhiệt độ cao, vừa đi ngoài trời nắng nóng về, v.v… Bởi quá trình điều nhiệt của cơ thể trẻ chưa được như người lớn nên trẻ dễ bị sốt hơn. Sốt cũng có thể do một số bệnh lý nội khoa khác gây nên như sốt rét, sốt xuất huyết, ung thư, bệnh tự miễn …Tuy nhiên, sốt cao cấp tính thuờng gặp nhất ở trẻ em là do viêm mũi họng cấp, viêm tai giữa, do nhiễm siêu vi, sốt sau chủng ngừa,…
     Sốt khi đo nhiệt độ ở nách >=38 độ C (có + 0.5 độ)

Sốt cao có nguy hiểm không?
     Sốt cao sẽ gây mất nước, điện giải, rối loạn các quá trình chuyển hoá trong cơ thể, gây co giật,… điều này sẽ nguy hiểm nếu không được điều chỉnh kịp thời, không được bù dịch đủ.

Co giật do sôt ở trẻ em;
     Co giật do sốt là một biến chứng thường gặp ở trẻ em, nhưng nó có nguy hiểm hay không thì còn tuỳ thuộc vào từng bệnh cảnh khác nhau:
     Nếu co giật kèm theo các dấu chứng như cứng gáy, thóp phồng, ói nhiều, lơ mơ, co giật kéo dài trên 15 phút,..và có kết quả xét nghiệm Bc máu tăng cao, biến đổi về sinh hoá và tế bào của dịch não tuỷ,...thì đó là các biểu hiện của bệnh cảnh nguy hiểm.
     Nếu co giật trong thời gian ngắn, sau giật trẻ tỉnh táo, không có các dấu hiệu nêu trên thì thường là lành tính, không để lại di chứng gì.
     Không có mối tương quan giữa co giật và nhiệt độ khi sốt mà chủ yếu phụ thuộc vào cơ địa của trẻ, những em bé có tiền căn co giật do sốt thì dễ bị co giật khi sốt hơn những em bé khác.
     Dự hậu của đa số co giật không biến chứng thường là lành tính, thường co giật tự hết mà chưa cần điều trị, nhưng có 10-20% co giật kháng trị với thuốc và đó là một thử thách cho chẩn đoán và điều trị, những trường hợp này thì cần thiết phải đuợc thăm khám tỷ mỷ ở cơ sở y tế để có hướng điều trị phù hợp.
Cần làm gì khi trẻ bị sốt?
     Khi có trẻ bị sốt, hãy bình tỉnh cho trẻ nằm ở chổ thoáng mát, nới lỏng áo quần, dùng nước ấm lau mát cho trẻ ( Không nên dùng nước đá vì sẽ gây co mạch làm chậm trễ quá trình giải nhiệt, tránh dùng rượu hay cồn để lau), động viện trẻ uống nhiều nước: nước đun sôi để nguội, nước hoa quả, nước ORS càng tốt, nếu trẻ vẫn còn sốt cao thì có thể cho uống một liều thuốc hạ sốt trước khi đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám.
     Lau mát hạ sốt là biện pháp rất hiệu quả và hạn chế được tối đa tác dụng phụ của thuốc, chỉ dùng thuốc hạ sốt khi thật sự cần thiết mà thôi.

Khi trẻ bị co giật do sốt?
     Cha mẹ cũng đừng quá hốt hoảng, hãy bình tỉnh cho trẻ nằm ở chổ thoáng mát, nằm nghiêng một bên, làm thông thoáng đường thở, nới lỏng áo quần và lau mát cho trẻ. Một điều đặc biệt lưu ý là không được dùng bất cứ vật dụng gì để chèn vào miệng của trẻ, vì làm như thế sẽ gây nguy hiểm cho trẻ. Sau đó có thể dùng một liều thuốc hạ sốt cho trẻ rồi đưa trẻ đi khám.
Dùng thuốc hạ sốt như thế nào?
     Khi chưa biết rõ nguyên nhân gây sốt, thuốc hạ sốt chỉ nên dùng là thuốc có thành phần paracetamon, liều 10-15mg/kg cân nặng mỗi 4-6h. Không nên dùng các loại thuốc khác như ibuprophen, aspirin,… vì có thể có biến chứng nguy hiểm.
     Thuốc hạ sốt có thể dùng dưới dạng uống hoặc nhét hậu môn khi trẻ không uống được.
Trên đây là những khái niệm chung nhất, nếu bạn đọc nào có nhu cầu tìm hiểu sâu hơn thì có thể đến tại phòng khám Nhi bệnh viện ĐK QT Vũ Anh để được chúng tôi  tư vấn đầy đủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét