Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Phòng ngừa bệnh viêm màng não do não mô cầu

Viêm màng não do não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn não mô cầu có tên khoa học là Neisseria meningitides gây ra, gồm các nhóm A, B, C, Y và W135 dựa vào các tính chất khác nhau của các kháng nguyên polysaccharides ở thành tế bào.
LOẠI VI KHUẨN NÀO GÂY BỆNH ?
- Viêm màng não do não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn não mô cầu có tên khoa học là Neisseria meningitides gây ra, gồm các nhóm A, B, C, Y và W135 dựa vào các tính chất khác nhau của các kháng nguyên polysaccharides ở thành tế bào.
- Đây là cầu trùng Gram âm, kích thước thay đổi, có thể thấy ở dạng đơn độc hoặc song cầu hình hạt đậu với hai mặt dẹt đối diện nhau và có thể nằm trong hoặc ngoài bạch cầu đa nhân.
BỆNH LÂY TRUYỀN NHƯ THẾ NÀO ?
- Não mô cầu cư trú tại vùng mũi họng của người và lây truyền từ người sang người qua những giọt nhỏ khi ho và hắt hơi trong không khí từ mũi họng của người mang mầm bệnh.
- Bệnh cũng có thể lây trực tiếp do tiếp xúc gần gũi hay gián tiếp qua trung gian đồ dùng chung có dính chất mới vừa được tiết ra từ đường hô hấp của người mang trùng.
- Người là tàng chủ duy nhất của não mô cầu. Thời gian ủ bệnh trung bình từ 1 đến 10 ngày.
- Não mô cầu có khả năng gây dịch. Nhóm A thường gây dịch bệnh lớn. Nhóm B và C thường gây các trường hợp riêng lẻ giữa thời gian có dịch lớn, tuy vẫn có khả năng gây dịch lớn. Nhóm Y chỉ gây dịch riêng lẻ trên trẻ lớn và thanh niên.
- Tuổi dể mắc bệnh nhất là trẻ em 6 tháng đến 1 năm và tỷ lệ bệnh thấp nhất ở người lớn hơn 20 tuổi. Nhiễm trùng huyết do não mô cầu thể tối cấp thường xẩy ra trên những cơ địa thể tạng to khỏe.
- Thời điểm bệnh xẩy ra nhiều nhất là mùa đông và đầu mùa xuân, thấp nhất là giữa mùa hè. Tại các vùng nhiệt đới(như ở Việt Nam ), bệnh gia tăng khi có thay đổi thời tiết, khí hậu, thí dụ như vào thời điểm cuối mùa khô, đầu mùa mưa. Dịch não mô cầu có nhiều nguy cơ bộc phát vào thời gian con người tập trung đông đúc như mùa khai trường, đợt tuyển quân,…
- Bệnh hay xẩy ra và lan rộng tại các tập thể đông đúc ở thành thị hơn là nông thôn. Thí dụ như nhà trẻ, trường học, ký túc xá, …nơi dân cư sống chật chội, thiếu vệ sinh.
BỆNH CÓ KHẢ NĂNG GÂY MIỄN DỊCH KHÔNG ?
- Hiện tượng miễn dịch tự nhiên đối với não mô cầu được hình thành trong khoảng 20 năm đầu tiên của cuộc sống con người. Kháng thể được tạo ra do mang não mô cầu ở vùng mũi họng. Kháng nguyên gây miễn dịch của não mô cầu nhóm A và C tạo kháng thể chuyên biệt IgG hay IgM. Riêng đối với nhóm B chỉ tạo đáp ứng miễn dịch yếu.
- Trẻ em có miễn dịch thụ động do được mẹ truyền qua kháng thể IgG. Lúc mới sinh, trên 50% trẻ em có kháng thể diệt được não mô cầu. Khi trẻ được 6 – 24 tháng tuổi, lượng kháng thể này giảm nhanh nhưng sẻ gia tăng trở lại ở giai đoạn trưởng thành và người lớn có thể đạt tỷ lệ 70% có kháng thể.
- Trẻ dưới 2 tuổi khó có thể gây miễn dịch với não mô cầu.
KHI BỊ NHIỄM NÃO MÔ CẦU CÓ TRIỆU CHỨNG NHƯ THẾ NÀO ?
Bệnh nhiễm não mô cầu có thể xẫy ra tiếp nối nhau theo trình tự: viêm họng, nhiễm trùng huyết, viêm màng não và / hoặc chuyễn di đến những cơ quan khác. Hai thể lâm sàng quan trọng do não mô cầu gây ra là nhiễm trùng huyết và viêm màng não.
NHIỄM TRÙNG HUYẾT:
Nhiễm trùng huyết thể cấp: Khởi bệnh thường đột ngột, mệt mõi, đau họng, sốt cao 39 – 40 độ C, ớn lạnh, rét run nhiều lần, nhức đầu, nôn ói, đau khớp, đau cơ, đặc biệt đau nhiều ở sống lưng và 2 chân, mạch nhanh, thở nhanh. Tử ban xuất hiện trong khoảng 75% các trường hợp trong một hai ngày sau sốt. Tử ban màu đỏ hoặc tím thẫm, bờ không tròn đều, kích thước 1 – 2 mm đến vài cm, bề mặt bằng phẳng không gồ lên mặt da, có khi có hoại tử vùng trung tâm. Vị trí tử ban phân bổ khắp người, có khi lan rộng như hình bản đồ.

Tử ban trên da hình bản đồ trong bệnh viêm màng não do não mô cầu
Nhiễm trùng huyết thể tối cấp: Còn được gọi là hội chứng Walterhouse – Friderichsen, xẫy ra với tỷ lệ khoảng 10 – 20% các trường hợp nhiễm trùng huyết do não mô cầu. Đây là bệnh cảnh nhiễm trùng huyết não mô cầu rất cấp tính, diễn tiến nhanh chóng đến tình trạng suy tuần hoàn, sốc phổi và gây tử vong, có thể chỉ trong vài giờ.
VIÊM MÀNG NÃO:
- Viêm màng não do não mô cầu hay gặp xẩy ra tiên phát ở trẻ em từ 6 tháng đến 10 tuổi. Triệu chứng lúc khởi bệnh khó phân biệt với nhiễm trùng toàn thân khác. Tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng, những yếu tố sau đây gợi ý tác nhân gây bệnh là não mô cầu:
   + Bệnh khởi phát đột ngột với đau đầu dữ dội, sốt, buồn nôn, nôn, sợ ánh sáng và cổ cứng. Các dấu hiệu khác đi kèm thường là li bì, mê sảng, hôn mê và co giật, trên cơ địa là trẻ em trên 6 tháng tuổi hoặc thanh thiếu niên trước đó khỏe mạnh.
   + Trong thời gian có nhiều bệnh nhiễm não mô cầu xẩy ra hoặc có tiếp xúc với người bệnh đã xác định.
   + Tiền căn viêm mũi họng, tắm hồ bơi công cộng.
   + Có tử ban trên da
   + Có thể kèm viêm khớp, herpes ở quanh miệng.
   + Dịch não tủy trắng đục như nước vo gạo.
- Tuy nhiên ở trẻ nhỏ khởi phát bệnh có thể âm ỉ, cổ không cứng mà mềm. Các dấu hiệu khác như vật vã, nôn, ban xuất huyết có thể xuất hiện muộn hoặc không rõ ràng.
NGƯỜI BỆNH CẦN LÀM NHỮNG XÉT NGHIỆM NÀO ?
- Công thức máu: bạch cầu tăng cao, BC đa nhân trung tính chiếm ưu thế. BC bình thường hay giảm trong thể tối cấp.
- Phết tử ban: soi thấy song cầu gram âm và cấy phát hiện được não mô cầu.
- Cấy máu: cho kết quả dương tính tỷ lệ cao khi kỹ thuật phòng xét nghiệm tốt. Cấy dương tính có thể đạt đến tỷ lệ 50 – 70% trong trường hợp nhiễm trùng huyết, 30%  trong viêm màng não.
- PCR( polymerase chain reaction ): phản ứng khuếch đại gene, phát hiện vi khuẩn trong bệnh phẩm máu hoặc dịch não tủy,
- Xét nghiệm dịch não tủy: Nhiều trường hợp bệnh nhân nhiễm trùng huyết do não mô cầu không có dấu hiệu viêm màng não rõ rệt và dịch não tủy trong nhưng cấy phát hiện vi trùng
ĐIỀU TRỊ VIÊM MÀNG NÃO DO NÃO MÔ CẦU NHƯ THẾ NÀO?
- Trước thời kỳ có kháng sinh, tỷ lệ tử vong các bệnh viêm màng não và nhiễm trùng huyết do não mô cầu rất cao, có thể đến 80 – 90%. Kháng sinh liệu pháp đã cải thiện rõ rệt dự hậu nhiễm trùng này. Hiện nay tỷ lệ tử vong của viêm màng não do não mô cầu khoảng 5% – 10%. Có khoảng 10% – 15% số trường hợp qua khỏi những vẫn phải chịu biến chứng như điếc, liệt, động kinh, tâm thần.
1. Kháng sinh: Penicillin G, Chloramphenicol, các kháng sinh Cephalosporine thế hệ III đang có tác dụng điều trị tốt.
2. Các biện pháp hồi sức:
- Hồi sức hô hấp, tuần hoàn nếu có suy hô hấp, tím tái, trụy mạch.
- Chống hiện tượng đông máu nội mạch lan tỏa.
- Hạ sốt nếu sốt cao.
BỆNH ĐƯỢC PHÒNG NGỪA NHƯ THẾ NÀO ?
- Tại Bệnh Viện:
   + Bệnh nhân được cách ly trong buồng riêng. Trị liệu đầy đủ thời gian và xét nghiệm sạch trùng mới cho xuất viện.
- Phòng Bệnh Chung:
   + Các biện pháp phòng bệnh đưa ra cho cộng đồng là phải duy trì nếp sống vệ sinh, giữ môi trường sống sạch sẽ, vì tác nhân gây viêm màng não mô cầu có thể qua đường hô hấp, tiêu hóa hay tiếp xúc với đồ vật nhiễm khuẩn.
   + Ngoài biện pháp giữ vệ sinh môi trường thường xuyên thông thoáng, nhiều ánh sáng, cần duy trì vệ sinh răng miệng, hầu, họng.
   + Khi bị viêm đường hô hấp trên có các biểu hiện nghi ngờ của VMNMC cần đưa bệnh nhân đến ngay các cơ sở y tế.
   + Nếu trong tập thể xuất hiện VMNMC được xác định, cần cách ly người bệnh không để tiếp xúc với người lành, đặc biệt là trẻ em. Cần đeo khẩu trang cho người bệnh, người lành và người phục vụ bệnh nhân. Môi trường có người bệnh cần phun thuốc diệt khuẩn. Các dụng cụ, đồ dùng sinh hoạt của người bệnh cần vệ sinh, tẩy uế sạch như ngâm vào dung dịch Cloramin B,…Ngoài ra có thể tổ chức uống kháng sinh dự phòng khẩn cấp theo chỉ định của bác sĩ.
   + Trong đợt dịch bệnh, tránh đến chổ tập trung đông người nếu không thực sự cần thiết. Khi có người bệnh được phát hiện trong một tập thể, cần xét nghiệm vi sinh với người tiếp xúc. Cách ly người bị viêm mũi họng và điều trị tích cực cho đến khi XN vi khuẩn âm tính.
- Chủng ngừa:
- Vắc xin phòng bệnh do não mô đã được sử dụng trên 30 năm.
   + Hiện có ba loại vắc xin đang được sử dụng trên thế giới đó là: bivalent (groups A and C), trivalent (groups A, C and W), và tetravalent (groups A, C, Y and W135). Tiêm vắc xin týp A & C đạt tỷ lệ 80% có thể phòng được dịch. Những vắc xin này không có hiệu quả đối với trẻ nhỏ và chỉ bảo vệ trong một khoảng thời gian nhất định đặc biệt ở trẻ dưới 2 tuổi. Vắc xin đối với nhóm B được sử dụng ở một số nước như Cuba, New Zealand và  Na Uy.
   + Ở nước ta từ lâu đã có vắc xin ngừa nhiễm não mô cầu phối hợp nhóm A & C. Loại vắc xin này được sử dụng cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên, khách du lịch đến vùng dịch tể của bệnh hoặc nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao. Sau khi tiêm vắc xin từ 7 – 10 ngày, trong máu người được tiêm có đủ nồng độ kháng thể để chống lại vi khuẩn não mô cầu. Đối với trẻ em, cần tiêm nhắc lại mỗi 3 năm(vì đối với trẻ em, sau 3 năm tiêm vắc xin, nồng độ kháng thể giảm đáng kể), quí phụ huynh cần đưa con em mình đến bệnh viện có chuyên khoa nhi để được tư vấn và tiêm ngừa phòng bệnh.
BS CKI Phạm Văn Ánh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét