Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Các phương pháp thở và thông đàm trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

Một trong những bước đầu tiên trong việc học thở là học cách hít thở sâu bằng cơ hoành. Cơ hoành là một cơ hình vòm nằm bên dưới phổi. Khi bạn hít vào, cơ hoành hạ xuống tạo ra một chân không rút không khí vào phổi
A. CÁC PHƯƠNG PHÁP THỞ
Biết làm thế nào để có một hơi thở sâu là một phần thiết yếu trong kỹ năng cuộc sống. Một chu kỳ hơi thở đầy đủ cung cấp oxy cho khắp cơ thể, giúp loại bỏ các khí thải như carbon dioxide, kích thích cột sống và cơ quan nội tạng. Một trong những bước đầu tiên trong việc học thở là học cách hít thở sâu bằng cơ hoành. Cơ hoành là một cơ hình vòm nằm bên dưới phổi. Khi bạn hít vào, cơ hoành hạ xuống tạo ra một chân không rút không khí vào phổi. Khi bạn thở ra, cơ hoành trở lại hình dạng mái vòm của nó, đẩy không khí ra khỏi cơ thể.

Làm thế nào để thực hiện thở cơ hoành với chúm môi
- Hai nhóm cơ bắp chủ yếu được sử dụng trong quá trình thở bình thường: Cơ hoành và các cơ xương sườn.
- Ở người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do tình trạng ứ khí trong phổi nên lồng ngực bị căng phồng làm hạn chế hoạt động của cơ hoành. Khi cơ hoành trở nên yếu ớt, những người có bệnh phổi hít thở sử dụng cơ hô hấp phụ (cổ, vai, cơ xương sườn) để thở.
- Thở bằng cơ hoành là một kỹ thuật giúp khắc phục thói quen này bằng cách giúp tăng cường cơ hoành và các cơ bụng. Điều này sẽ cho phép nhiều không khí di chuyển vào và ra khỏi phổi mà không mệt mỏi các cơ hô hấp ngực.
- Khi được sử dụng với chúm môi thở và thực hành thường xuyên sẽ giúp tăng cường hiệu quả của động tác hô hấp và tiết kiệm năng lượng.
1. KỸ THUẬT THỞ CƠ HOÀNH
  - Nằm với chân hơi cong. Thả lỏng cổ và vai.
  - Đặt 1bàn tay lên bụng và đặt bàn tay còn lại lên ngực.
  - Hít vào chậm qua mũi sao cho bàn tay trên bụng có cảm giác bụng phình lên. Lồng ngực không di chuyển.
  - Hóp bụng lại và thở chậm qua miệng với thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào và bàn tay trên bụng có cảm giác bụng lõm xuống.

Nên tập thở cơ hoành nhiều lần trong ngày cho đến khi trở thành thói quen. Bạn có thể tập thở ở tư thế ngồi hoặc đứng với đầu giữ thẳng. Sau khi đã nhuần nhuyễn kỹ thuật nên tập thở cơ hoành cả khi đi bộ và cả khi làm việc nhà.

2. KỸ THUẬT THỞ CHÚM MÔI
Ở người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do tình trạng ứ khí trong phổi làm cho người bệnh khó thở. Thở chúm môi là phương pháp giúp cho đường thở không bị xẹp lại khi thở ra nên khí thoát ra ngoài dễ dàng hơn giúp hít được không khí trong lành.

  - Tư thế ngồi thoải mái. Thả lỏng cổ và vai. Hít vào chậm qua mũi.
  - Môi chúm lại như đang huýt sáo, thở ra bằng miệng chậm sao cho thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào.
  - Nên dùng kỹ thuật thở chúm môi bất cứ lúc nào cảm thấy khó thở như đi cầu thang, tập thể dục, làm việc nhà,….
  - Nên tập thở chúm môi kết hợp thở cơ hoành. Tập lặp đi lặp lại nhiều lần sao cho thật nhuần nhuyễn và trở thành thói quen.
B. CÁC PHƯƠNG PHÁP THÔNG ĐÀM
- Nhiều người bệnh COPD bị gia tăng sản xuất chất nhầy ngăn chặn các đường hô hấp. Tổng hợp của chất nhầy cũng trở thành một nơi sinh sản cho các vi khuẩn có thể dẫn đến nhiễm trùng phổi như viêm phổi.
- Làm thế nào để làm sạch chất nhầy từ phổi có thể là một nhiệm vụ khó khăn, và chắc chắn không thể xác định kết quả ngay lập tức. Tuy nhiên, thông đàm là một phần quan trọng trong điều trị COPD, đặc biệt là bởi vì nó có thể giúp bạn thở tốt hơn và giảm nguy cơ nhiễm trùng phổi.
- Dưới đây là một số kỹ thuật thông đàm rất đơn giản nhưng hiệu quả:
1. HO CÓ KIỂM SOÁT
- Ở người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường gặp khó khăn khi ho khạcđàm. Ho có kiểm soát là động tác ho hữu ích giúp tống đàm ra ngoài, làm sạch đường thở nhưng không làm người bệnh mệt và khó thở,…
- Mục đích của ho có kiểm soát là để có được càng nhiều không khí phía sau chất nhầy như có thể, giúp đẩy đàm di chuyển ra ngoài.

KỸ THUẬT HO CÓ KIỂM SOÁT
  - Ngồi tư thế thoải mái. Hít vào chậm và sâu.
  - Nín thở trong vài giây.
  - Ho mạnh 2 lần giúp đẩy đàm ra ngoài, khạc đàm vào lọ hoặc giấy.
  - Hít vào chậm và nhẹ nhàng. Nên thở chúm môi vài lần trước khi lập lại động tác ho.
Tùy lực ho của mỗi người, có khi phải lập lại nhiều lần mới đẩy được đàm ra ngoài.
2. KỸ THUẬT THỞ RA MẠNH
Những trường hợp người bệnh không đủ sức ho nên thay thế bằng kỹ thuật thở ra mạnh
  - Hít vào chậm và sâu.
  - Nín thở trong vài giây.
  - Thở ra mạnh và kéo dài.
  - Hít vào nhẹ nhàng. Hít thở chúm môi đều vài lần trước khi lập lại.
  - Những gì bạn cần để giúp tập luyện các phương pháp và kỹ thuật trên thành công
   • Một nơi yên tĩnh để thực hành
   • Xác định để thành công
   • Kiên nhẫn


 Hình ảnh một Bệnh nhân COPD mức độ nặng tập thở thành công tại KhoaNội Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế VũAnh
( Hình ảnh cung cấp được sự chấp thuận của Bệnh nhân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét