Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Sanh khó do vai - vấn đề xử trí cấp cứu

Hiện nay cùng với phát triển kinh tế xã hội tỷ lệ với tình trạng sanh thai to. Một trong những vấn đề khi thực hành sản khoa là xử trí cấp cứu tình trạng sanh khó do vai (kẹt vai) trong quá trình sanh đường âm đạo.
Kết cục sẽ rất tốt, an toàn nếu biết xử trí nhanh, phối hợp nhóm, thực hành đúng phương pháp và ngược lại sẽ đưa tới nhiều biến chứng nặng nề cho sản phụ và trẻ sơ sinh.
Sanh khó do vai (vai của thai nhi) là thất bại trong việc sanh thường vai, sau khi đầu thai nhi đã sổ ra ngoài âm hộ và vai trước bị mắc lại sau xương mu.
Có dấu hiệu cổ rùa (dấu Turtle): Sau khi đầu thai nhi sổ ra ngoài âm hộ lập tức bị thụt lại sát vào tầng sinh môn như dấu thụt cổ của con rùa.
Thời gian kéo dài quá 60 giây sau khi đầu thai sổ.
Yếu tố nguy cơ:
- Thai to: Đối với người Việt Nam thai > 3500 gr, thường gặp trong những sản phụ tăng cân quá mức, sản phụ bị đái đường thai kỳ, béo phì, tiền sử gia đình sanh thai to.
- Chuyển dạ giai đoạn II kéo dài.
- Thai già tháng.
- Khung chậu giới hạn.
Biến chứng:
- Trẻ sanh ra suy hô hấp, rối loạn tâm thần, vận động hay tử vong.
- Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay, tùy mức độ có thể yếu hay liệt cánh tay.
- Gãy xương đòn, xương cánh tay.
- Băng huyết (rách đường sinh dục hay đờ tử cung).
- Rách đường sinh dục bao gồm âm hộ, âm đạo, cổ tử cung hoặc vỡ tử cung.
- Rối loạn về tinh thần, trầm cảm sau sanh khi mang thai không trọn vẹn.
Xử trí:
- Đảm bảo đủ nhân lực và trang thiết bị.
- Đảm bảo bàng quang trống.
- Gây tê giảm đau tầng sinh môn.
- Không xử trí muộn quá 5 phút.
- Không cố gắng kéo đầu thai.
- Không xoay vặn đầu thai.
- Không đẩy đáy tử cung sản phụ.
Tiến hành:
 1. Gọi giúp đỡ từ đồng nghiệp:
 - Bs gây mê, bs nhi khoa, y tá, nữ hộ sinh…
 2. Tầng sinh môn:
 - Cân nhắc cần thiết cắt rộng tầng sinh môn hay không (nếu tầng sinh môn rộng thì không cần cắt thêm, nếu chật cần cắt rộng).
 3. Thủ thuật Mc Robert:
 - Nâng chân sản phụ lên sát ngực và gập gối, đây là thủ thuật dễ làm, an toàn và hiệu quả nhằm tăng đường kính trước sau của khung chậu. Mc Robert đạt hiệu quả trong khoảng 60-80% các trường hợp sanh khó do vai.
 4. Đẩy trên xương mu:
 - Mục đích là đẩy vai trước xuống dưới xương mu, sử dụng mu lòng bàn tay và hướng về phía đầu thai nhi so với mặt phẳng ngang 450.
 5. Thủ thuật Rubin:

 - Đưa bàn tay hay hai ngón tay vào sau xương vai trước và đẩy về hướng ngực thai nhi để vai có thể lọt qua đường kinh chéo hay có thể làm giảm đường kính lưỡng mõm vai.
 - Rubin có thể làm ở vai trước hoặc vai sau.
 6. Thủ thuật Wood:

 - Đưa bàn tay hay hai ngón tay vào phía trước của vai sau và đẩy xoay kiểu nút chai 1800 để vai sau thành vai trước đồng thời sanh vai sau.
 7. Sanh tay sau:
  Đưa tay vào nắm lấy khuỷu tay sau của thai nhẹ nhàng kéo qua mặt thai và sanh vai sau trước.
 8. Cân nhắc các thủ thuật khác:
 - Xoay tư thế sản phụ quỳ hai tay và 2 đầu gối.
 - Bẻ gãy xương đòn.
 - Cắt xương mu: Dùng dao mổ cắt qua sụn của khớp xương mu.
 - Thủ thuật Zavannelli: Đẩy đầu thai nhi lên và mổ lấy thai.
 9. Dự phòng sanh khó do vai.
 - Để dự phòng tình trạng kẹt vai sản phụ cần phải được đi khám thai, quản lý thai kỳ định kỳ nhằm phát hiện những bất thường trong quá trình mang thai như: Đái đường thai kỳ, thai to, tình trạng khung chậu hẹp hay khung chậu giới hạn, ước lượng cân nặng thai để có tiên lượng trong quá trình sanh đường âm đạo.
Nhân viên y tế đặc biệt là bác sĩ sản  phụ khoa cần phải nắm vững những thủ thuật trong quá trình xử trí kẹt vai, phối hợp nhóm và đồng thời phải có kế hoạch dự phòng trong tất cả các trường hợp sanh đường âm đạo.
ThsBs Nguyễn Đình Vinh
Tài liệu tham khảo:
1. ACOG Practice Bulletin Number 40. Shoulder dystocia, November 2002.
2. Management of High-Risk Pregnancy, 2007, Diabetes mellitus; 21: 182-185.
3. Williams Obstetrics, 2005. Macrosomia, 507-509.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét