Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Bệnh Rubella và phòng ngừa hội chứng Rubella bẩm sinh

Rubella virus lây truyền qua không khí, người bị nhiễm bệnh truyền virus cho người khác thông qua những giọt nước nhỏ từ đường hô hấp trên khi ho, hắt hơi khi tiếp xúc gần
I. Bệnh Rubella
1. Tác nhân gây bệnh: Bệnh Rubella, còn được gọi là bệnh sởi Đức (German measles), là bệnh gây ra do virus Rubella, có bộ gen là RNA, thuộc nhóm Togaviridae, cấu trúc hình khối 20 mặt.

2. Cách lây truyền: Rubella virus lây truyền qua không khí, người bị nhiễm bệnh truyền virus cho người khác thông qua những giọt nước nhỏ từ đường hô hấp trên khi ho, hắt hơi khi tiếp xúc gần.
3. Triệu chứng lâm sàng: Sau thời gian ủ bệnh kéo dài khoảng 2-3 tuần, người bệnh có các triệu chứng sốt, sưng hạch, nổi ban ở da màu hồng nhạt, đau khớp, tăng bạch cầu đơn nhân. Bệnh thường nhẹ, diễn tiến 2 – 3 ngày rồi tự khỏi( vì vậy bệnh còn được gọi là sởi 3 ngày), nhưng cũng có vài biến chứng nặng: xuất huyết, viêm não cấp, viêm cơ tim, viêm thận cấp,…
  - Bệnh Rubella ở trẻ em thường diễn biến nhẹ, có khi không biểu hiện triệu chứng lâm sàng, thường hồi phục sau 1-3 ngày
4. Đối tượng nguy hiểm: Phụ nữ mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ nếu bị nhiễm bệnh có thể gây sẩy thai, thai chết lưu, sinh non, nhẹ cân do suy dinh dưỡng bào thai hoặc gây hội chứng Rubella bẩm sinh. Vì vậy, việc chẩn đoán xác định nhiễm Rubella, đặc biệt ở những phụ nữ trong thời gian 3 tháng đầu mang thai là vô cùng quan trọng.
II. Hội Chứng Rubella Bẩm Sinh(Congenital Rubella Syndrome)
1. Đặc điểm lâm sàng
- Dị tật có thể đơn thuần hoặc kết hợp, bao gồm
   + Điếc: Thường gặp nhất
   + Mắt: Đục thủy tinh thể, glomcoma, bệnh lý võng mạc, tật mắt nhỏ,…
   + Dị tật tim: Còn ống động mạch, thông vách ngăn giữa các buồng tim, hẹp động mạch chủ, động mạch phổi,…
   + Tật đầu nhỏ (microcephaly)
   + Chậm phát triển tâm thần.
   + Bệnh mềm xương (bone alterations)
   + Gan lách to.
   + Xuất huyết dưới da(thrombocytopenia)…


Một số hình ảnh Rubella bẩm sinh
2. Điều trị: Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, một số thuốc hiện có chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau, truyền máu hay tiểu cầu nếu xuất huyết nặng,…Nếu trẻ bị nhiễm Rubella nặng có thể điều trị phẫu thuật thủy tinh thể (nhuyễn hóa thủy tinh thể rồi lấy ra), đeo máy trợ thính hoặc phẩu thuật  tim bẩm sinh.
3. Hậu quả của bệnh: Khi bị hội chứng rubella bẩm sinh, các triệu chứng lâm sàng, diễn tiến bệnh và điều trị rất phức tạp, chi phí điều trị hết sức tốn kém, nhưng sự hồi phục rất kém hiệu quả và thực sự gây gánh nặng cho gia đình và xã hội.
III. Phòng Ngừa Hội Chứng Rubella Bẩm Sinh
- Từ lâu đã có vaccin hiệu quả phòng ngừa bệnh Rubella, thường được tiêm chung một mũi phối hợp với sởi và quai bị (Priorix hoặc MMR - Measles, Mumps, Rrubella) ngừa cả sởi, quai bị và Rubella.
1. Đối với trẻ em: Tiêm lúc 12-15 tháng tuổi và nhắc lại lúc 4-6 tuổi.
2. Đối với phụ nữ tuổi sinh đẻ: Cần đến bệnh viện có chuyên khoa sản để được khám, tư vấn chủng ngừa nếu chưa từng bị nhiễm hoặc xét nghiệm miễn dịch xem đã có kháng thể chưa để quyết định việc chủng ngừa.
3. Đối với phụ nữ đang mang thai: Nếu chưa được chủng ngừa thì nên khám thai định kỳ và theo dõi sức khỏe nhằm phát hiện sớm nhiễm Rubella. Những thai phụ này sẽ được xét nghiệm miễn dịch, nếu âm tính sẽ được chủng ngừa sau khi sanh để bảo vệ cho lần có thai sau.
4. Đối với phụ nữ đang mang thai bị nhiễm bệnh: Nếu nhiễm cấp tính trong ba tháng đầu thai kỳ (dựa LS và XN), đây là những trường hợp có nguy cơ cao bị hội chứng Rubella bẩm sinh, bác sĩ chuyên khoa sản và thai phụ cần thảo luận để quyết định nên giữ thai hay không.
- Vaccin ngừa 3 bệnh: Sởi - Quai bị - Rubella rất có hiệu quả trong việc gây miễn dịch chống bệnh Rubella và hội chứng Rubella bẩm sinh.
- Tại Bệnh Viện Đa Khoa Quốc Tế Vũ Anh, các bác sĩ khoa sản và khoa nhi đã phối hợp rất tốt trong công tác khám, tư vấn chủng ngừa phòng bệnh, phát hiện sớm những trường hợp bị bệnh để xử trí nhằm hạn chế tối đa các ca mắc bệnh cũng như hội chứng Rubella bẩm sinh.
- Các chị em phụ nữ tuổi sinh đẻ cũng như các cặp vợ chồng dự định sắp có con nếu quan tâm có thể đến gặp các bác sĩ sản khoa để được tư vấn đầy đủ hơn.
BS CKI. Phạm Văn Ánh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét